Thương mại điện tử và sự cần thiết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Theo Luật mẫu về thương
mại điện tử của Uỷ ban Liên Hợp Quốc về thương mại quốc tế (UNCITRAL), thương mại
điện tử được định nghĩa là “việc trao đổi
thông tin thương mại thông qua các phương tiện điện tử, không cần phải in ra giấy
bất cứ công đoạn nào của toàn bộ quá trình giao dịch” [1]
Ở Việt Nam, khái niệm
thương mại điện tử đã được ghi nhận trong các văn bản quy phạm pháp luật, theo
đó thương mại điện tử là “việc tiến hành
một phần hay toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử
có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông hoặc các mạng mở khác”.[2]
Như vậy, so với hoạt động
thương mại truyền thống, thương mại điện tử có một số đặc trưng nổi bật như
sau:
Thứ
nhất,
các bên trong giao dịch thương mại điện tử không cần tiếp xúc trực tiếp với nhau
và không phải có quan hệ quen biết từ trước. Việc đàm phán, thỏa thuận, xác lập
các giao dịch được thực hiện thông qua các phương tiện thông tin điện tử thay
vì gặp gỡ trực tiếp như trong các giao dịch thương mại truyền thống.
Thứ
hai,
bên cạnh các bên tham gia giao dịch như trong giao dịch thương mại truyền thống,
trong giao dịch thương mại điện tử xuất hiện thêm một bên thứ ba là các nhà
cung cấp dịch vụ qua mạng, các cơ quan chứng thực và quản lý... Bên thứ ba này
là chủ thể tạo cơ sở, kỹ thuật hạ tầng, môi trường để các giao dịch thương mại
điện tử được thực hiện.
Thứ
ba,
hoạt động thương mại điện tử có tính rủi ro cao do lệ thuộc vào các yếu tố kỹ
thuật. Cụ thể là, thông tin được cung cấp trong quá trình giao dịch có thể bị
đánh cắp hoặc bị tiết lộ phục vụ mục đích khác, an toàn hệ thống có thể bị ảnh
hưởng do các nguyên nhân khách quan như trục trặc kỹ thuật, hệ thống hoạt động
không ổn định v.v...
Với đặc trưng như trên,
việc tham gia vào giao dịch thương mại điển tử sẽ khiến người tiêu dùng không
biết rõ thông tin về đối tượng giao dịch, đơn vị cung ứng, cũng như những rủi
ro có thể gặp phải từ trục trặc kỹ thuật của hệ thống, …. Bên cạnh đó, trong bối
cảnh giao dịch xuyên biên giới như hiện nay, tình trạng sản phẩm bất hợp pháp
(bị cấm hoặc bị thu hồi khỏi thị trường) được lưu thông trong các giao dịch trực
tuyến là thực trạng không thể tránh khỏi. Những rủi ro và thách thức này phần
nào đã tác động không nhỏ đến niềm tin của người tiêu dùng khi quyết định tham
gia giao dịch trực tuyến.
Tương tự các giao dịch
thương mại truyền thống, người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử
luôn ở vị trí “yếu thế” hơn các thương nhân (hạn chế về thông tin, trình độ, kỹ
năng, …). Trong thương mại điện tử, điều này càng thêm rõ khi người tiêu dùng phải
đối mặt với các vấn đề sau:
Ở
giai đoạn tiền hợp đồng, người tiêu dùng có thể bị sai lệch,
lừa dối về danh tính của đối tượng cung cấp sản phẩm, dịch vụ và thông tin về sản
phẩm, dịch vụ được cung cấp (chất lượng, xuất xứ, giá cả, …).
Ở
giai đoạn ký kết hợp đồng, người tiêu dùng phải đối diện với
tình trạng mơ hồ, vội vàng khi đối diện với những điều khoản có sẵn được công bố
trên các phương tiện điện tử, đồng thời có thể thao tác sai do thiếu kỹ năng về
công nghệ.
Ở
giai đoạn thực hiện hợp đồng, người tiêu dùng có thể
được nhận sản phẩm không như thông tin được biết, hoặc hàng hóa bị hư hỏng
trong quá trình vận chuyển, phân phối. Khi khiếu nại thì tổ chức, cá nhân kinh
doanh né tránh, không xử lý triệt để.
Cùng với sự phát triển
của công nghệ thông tin, giao dịch qua phương tiện điện tử đã và đang phát triển
nhanh chóng, trở thành một phương thức kinh doanh thuận tiện, tiết kiệm. Tuy
nhiên, thực trạng tình trạng xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng có xu hướng
ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ. [3]
[1] Luật Mẫu của Uỷ ban Luật Thương
mại Quốc tế của Liên Hợp Quốc (UNCITRAL) về thương mại điện tử
[2] Khoản 1 Điều 3 Văn bản hợp nhất
số 14/VBHN-BCT ngày 19/11/2021 của Bộ Công thương về thương mại
điện tử
[3]
Báo Điện tử Chính phủ, Tỉ lệ
gian lận thương mại trên internet sẽ tăng vọt trong 2-3 năm tới, nguồn:
http://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView.aspx?distributionid=450928 ngày truy
cập 10/12/2021.