Hội đồng quản trị - Thực trạng pháp luật Việt Nam
Tại Việt Nam, các vấn đề liên quan đến thiết chế Hội đồng quản trị được luật định
như sau:
1. Thành viên Hội đồng quản trị
Khoản 1 Điều 154
Luật Doanh nghiệp 2020 quy định số lượng thành viên HĐQT từ 03-11 người, cụ thể
do Điều lệ quy định.
Tuy nhiên, Luật
Doanh nghiệp 2020 không làm rõ cơ cấu HĐQT gồm những nhóm thành viên nào. Việc
phân loại dựa trên những điều khoản khác nhau khi đề cập tới tư cách thành viên
HĐQT. Chẳng hạn như, Điều 155 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về tiêu chuẩn
thành viên HĐQT, tiêu chuẩn thành viên độc lập HĐQT; Điều 161 Luật Doanh nghiệp
2020 đề cập tới thành viên HĐQT không điều hành là đối tượng trở thành thành
viên ủy ban kiểm toán, ….
a.
Thành viên HĐQT (Thành viên HĐQT
nói chung)
Nhiệm kỳ của
thành viên HĐQT không quá 05 năm và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn
chế[1]. Cá
nhân đóng vai trò thành viên HĐQT phải đáp ứng được các tiêu chuẩn và điều kiện
tương đối chặt chẽ, cụ thể[2]:
(i)
Không
thuộc nhóm tổ chức, cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại
Việt Nam;
(ii)
Có
trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh hoặc trong lĩnh vực,
ngành, nghề kinh doanh của công ty và không nhất thiết là cổ đông của công ty,
trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác;
(iii) Đối với doanh nghiệp nhà nước và
công ty con của doanh nghiệp nhà nước thì thành viên Hội đồng quản trị không được
là người có quan hệ gia đình của Giám đốc, Tổng giám đốc và người quản lý khác
của công ty; của người quản lý, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công
ty mẹ;
(iv) Thành viên HĐQT công ty có thể đồng
thời là thành viên HĐQT của công ty khác.
Những điều kiện
này đã thể hiện rõ, thành viên HĐQT phải đảm bảo tiêu chí để đảm nhận vai trò
quản lý, điều hành – vốn là chức năng chung của HĐQT.
Đối với điều kiện
(iv), Luật Chứng khoán có chi tiết hóa điều kiện hơn. Cụ thể là, một thành viên
trong HĐQT của một công ty đại chúng chỉ được phép đồng thời làm thành viên
trong HĐQT của tối đa năm (05) công ty khác[3].
Tuy nhiên có thể thấy, điều kiện (iv) mang tính chất như một nội dung cho phép
đối với vị trí thành viên HĐQT, không mang ý nghĩa như một tiêu chuẩn để có thể
trở thành thành viên HĐQT. Do đó, về mặt kỹ thuật lập pháp, việc để điều kiện
(iv) trong điều khoản về “tiêu chuẩn, điều kiện thành viên HĐQT” là chưa hợp
lý.
b.
Thành viên HĐQT không điều hành
Thành viên HĐQT
không điều hành được đề cập trong Luật Doanh nghiệp 2020 là thành viên HĐQT phụ
trách vị trí thành viên của Ủy ban Kiểm toán, bên cạnh vị trí Chủ tịch Ủy ban
Kiểm toán được đảm nhận bởi thành viên độc lập HĐQT[4]. Như
vậy, thành viên HĐQT không điều hành xuất hiện trong HĐQT ở mô hình hai tầng.
Ngoài ra, Luật
Doanh nghiệp 2020 không đưa ra định nghĩa và điều kiện, gần như không có sự điều
chỉnh đối với thành viên HĐQT không điều hành hay thành viên HĐQT điều hành.
Từ đó có thể hiểu,
điều kiện để trở thành thành viên HĐQT nói chung (thành viên HĐQT) là điều kiện
áp dụng cho cả thành viên HĐQT điều hành hay không điều hành.
Về thành viên
không điều hành trong công ty đại chúng, Khoản 56 Điều 3 Nghị định
55/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Chứng
khoán (“Nghị định 55”) có quy định: “Thành
viên Hội đồng quản trị không điều hành (sau đây gọi là thành viên không điều
hành) là thành viên Hội đồng quản trị không phải là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc), Kế toán trưởng và
những người điều hành khác theo quy định của Điều lệ công ty”.
Người điều hành được quy định tại Khoản 55 Điều 3 Nghị định 55:
“Người
điều hành doanh nghiệp là Tổng giám đốc (Giám đốc),
Phó Tổng giám
đốc (Phó Giám đốc), Kế toán trưởng và
người điều hành khác theo quy định của Điều lệ công ty”.
Từ các quy định này có thể hiểu, thành viên HĐQT không điều
hành là thành viên không nắm giữ chức vụ trong chức năng điều hành doanh nghiệp
(Tổng Giám đốc, Giám đốc, và các cấp điều hành bên dưới theo quy định tại Điều
lệ Công ty) và ngược lại. Tuy nhiên, cách hiểu này chỉ áp dụng với công ty đại
chúng, đối với công ty cổ phần thông thường vẫn chưa có cơ sở pháp lý để xác định
như thế nào là thành viên HĐQT điều hành/không điều hành.
Đối với tỷ lệ thành viên trong cơ cấu HĐQT, trong công ty đại chúng phải có ít nhất một phần ba (1/3) thành
viên HĐQT là thành viên không điều hành[5].
Tuy nhiên, tỷ lệ thành viên không điều hành phải có trong HĐQT không bị khống
chế trong công ty cổ phần thông thường. Trường hợp số lượng
thành viên không điều hành trong HĐQT quá ít (tối thiểu sẽ là 1 thành viên)[6], chức
năng giám sát những người điều hành của HĐQT có thể không được đảm bảo hiệu quả.
Sự để ngỏ vấn đề này trong quy định của pháp luật doanh nghiệp hiện hành thể hiện
HĐQT trong CTCP ở Việt Nam chưa thực sự được chú trọng chức năng quản trị công ty hơn
so với chức năng quản lý, điều hành.
c.
Thành viên độc lập HĐQT
Luật Doanh nghiệp
2020, và Luật Chứng khoán 2019 đều không đưa ra định nghĩa về thành viên độc lập
HĐQT. Pháp luật doanh nghiệp chỉ quy định trong mô hình quản trị CTCP hai tầng
phải có thành viên độc lập HĐQT[7]. Và,
Khoản 2 Điều 155 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định, thành viên độc lập HĐQT phải
đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện sau:
(i)
Không
phải là người đang làm việc cho công ty, công ty mẹ hoặc công ty con của công
ty; không phải là người đã từng làm việc cho công ty, công ty mẹ hoặc công ty
con của công ty ít nhất trong 03 năm liền trước đó;
(ii)
Không
phải là người đang hưởng lương, thù lao từ công ty, trừ các khoản phụ cấp mà
thành viên HĐQT được hưởng theo quy định;
(iii) Không phải là người có vợ hoặc chồng,
bố đẻ, bố nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột
là cổ đông lớn của công ty; là người quản lý của công ty hoặc công ty
con của công ty;
(iv) Không phải là người trực tiếp hoặc gián
tiếp sở hữu ít nhất 01% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty;
(v)
Không
phải là người đã từng làm thành viên HĐQT, Ban kiểm soát của công ty ít nhất
trong 05 năm liền trước đó, trừ trường hợp được bổ nhiệm liên tục 02 nhiệm kỳ.
Từ những quy định
này có thể thấy, thành viên độc lập HĐQT là người:
(i) Không
thuộc về ĐHĐCĐ, HĐQT, Ban Kiểm soát, người quản lý công ty; và
(ii) Không
có mối quan hệ nhân thân với các vị trí quản lý, cổ đông lớn và người có quyền
kiểm soát.
Như vậy, sự
“không liên quan” với các cổ đông lớn, vị trí quản lý, người có quyền kiểm soát
và những người có mối quan hệ nhân thân với họ tạo ra tính “độc lập”. Tính “độc
lập” này là cần thiết để đảm bảo ngăn chặn xung đột lợi ích, ảnh hưởng đến sự
khách quan, minh bạch trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của thành
viên độc lập HĐQT. Qua đó hướng tới đảm bảo lợi ích tổng thể của công ty chứ
không nhằm vào lợi ích của riêng đối tượng nào.
Tuy nhiên, ở một
mức độ nhất định, các tiêu chuẩn tại Khoản 2 Điều 155 Luật Doanh nghiệp 2020
chưa thực sự rõ ràng, toàn diện để thuận tiện trong quá trình áp dụng. Ví dụ ở
điều kiện (iii), Luật Doanh nghiệp 2020 không có định nghĩa thế nào là “cổ đông
lớn”, nên các công ty cổ phần thông thường không có cơ sở để xác định tiêu chí
này. Chỉ đối với Công ty đại chúng thì có thể áp dụng theo Luật Chứng khoán
2019, theo đó cổ đông lớn là cổ đông sở hữu từ 5% cổ phần có quyền biểu quyết tại
công ty[8].
Tương tự, ở điều kiện (iv), Luật Doanh nghiệp 2020 cũng không đưa ra định nghĩa
thế nào là “sở hữu gián tiếp”. Điều này có thể tạo ra khó khăn trên thực tế áp
dụng cho các chủ thể.
Về số lượng
thành viên độc lập trong cơ cấu của HĐQT, tỷ lệ loại thành viên này phải đảm bảo
20% tổng số thành viên HĐQT (1/5)[9].
Đây là tỷ lệ áp dụng đối với công ty cổ phần thông thường. Đối với công ty đại
chúng chưa niêm yết tổ chức theo mô hình quản trị hai tầng, phải đảm bảo ít nhất
20% (1/5) tổng số thành viên HĐQT là thành viên độc lập HĐQT[10].
Đối với công ty niêm yết, tỷ lệ này được xác định như sau[11]:
(i) Có
số thành viên HĐQT từ 3-5 người: tối thiểu 1 thành viên độc lập HĐQT
(ii) Có
số thành viên HĐQT từ 6-8 người: tối thiểu 2 thành viên độc lập HĐQT
(iii) Có
số thành viên HĐQT từ 9-11 người: tối thiểu 3 thành viên độc lập HĐQT
Về nhiệm kỳ của
thành viên độc lập HĐQT, một cá nhân chỉ được bầu giữ vị trí này của một công
ty không quá hai nhiệm kỳ liên tục[12]. Mỗi
nhiệm kỳ được quy định không vượt quá 5 năm. Do đó, nhiệm kỳ của thành viên độc
lập HĐQT sẽ không quá 10 năm. Quy định này có tính hợp lý vì sẽ giúp đảm bảo
tính độc lập, khách quan của thành viên độc lập HĐQT. Bởi lẽ, sau một thời gian
tham gia sâu vào quản trị, thành viên độc lập HĐQT có thể phát sinh quyền lợi,
trách nhiệm liên quan đến các thành viên HĐQT, cổ đông khác.
Qua những phân
tích ở trên, có thể thấy tinh thần của nhà lập pháp về các thành viên trong
HĐQT như sau:
(i)
Thành viên HĐQT là tên gọi chung cho các
cá nhân trực thuộc HĐQT (thành viên HĐQT nói chung). Quy định đối với thành
viên HĐQT áp dụng chung cho cả thành viên độc lập HĐQT và thành viên HĐQT không
điều hành/điều hành;
(ii) Thành viên
độc lập HĐQT và thành viên HĐQT không điều hành/điều hành là thành viên HĐQT đảm
nhận một chức năng, vị trí đặc thù trong cơ cấu của HĐQT có liên quan đến tính
“độc lập” và tính “điều hành”. Do đó, sẽ áp dụng những quy định riêng cho đối
tượng thành viên này, bên cạnh việc áp dụng các quy định cho thành viên HĐQT
nói chung.
2. Cơ cấu tổ chức của HĐQT
Cơ cấu tổ chức của
HĐQT là sự phân hóa, sắp xếp các thành viên HĐQT theo chức danh, vị trí, nhiệm
vụ riêng. Tùy từng trường hợp, các thành viên trong HĐQT có thể là thành viên HĐQT
nói chung, thành viên độc lập HĐQT, thành viên HĐQT không điều hành/điều hành.
Chẳng hạn, đối với doanh nghiệp thực hiện tổ chức quản trị theo mô hình hai tầng,
thành viên HĐQT bắt buộc phải có thành viên độc lập HĐQT và Ủy ban kiểm toán,
trong UBKT lại có thành viên HĐQT không điều hành. Bên cạnh đó, đối với doanh
nghiệp thực hiện tổ chức quản trị theo mô hình một tầng, thành viên HĐQT chỉ
thuộc diện thành viên HĐQT nói chung.
Trong cơ cấu tổ
chức của HĐQT, ngoài chức danh thành viên HĐQT (như đã nêu ở mục 1), còn có chức
danh Chủ tịch HĐQT (do HĐQT bầu ra), chức danh Thư ký (có thể có hoặc không).
Ngoài ra, cũng giống như pháp luật của nhiều quốc gia, pháp luật Việt Nam không
có quy định bắt buộc đối với chức danh Phó Chủ tịch HĐQT hay các Ủy ban/Bộ phận
giúp việc khác.
a. Chủ tịch Hội đồng quản trị
Về Chủ tịch
HĐQT, chức danh này được bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm bởi HĐQT[13].
Pháp luật doanh nghiệp hiện hành không giới hạn đối tượng thành viên nào của
HĐQT có thể trở thành Chủ tịch HĐQT. Vì vậy, chức danh Chủ tịch HĐQT được mở rộng
cho tất cả các loại thành viên, bao gồm thành viên HĐQT nói chung, thành viên độc
lập HĐQT, thành viên HĐQT không điều hành/điều hành.
Quyền và nghĩa vụ
của Chủ tịch HĐQT được quy định như sau: Lập
chương trình, kế hoạch hoạt động của HĐQT; Chuẩn bị chương trình, nội dung, tài
liệu phục vụ cuộc họp; triệu tập, chủ trì và làm chủ tọa cuộc họp HĐQT; Tổ chức
việc thông qua nghị quyết, quyết định của HĐQT; Giám sát quá trình tổ chức thực
hiện các nghị quyết, quyết định của HĐQT; Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định
của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty...[14]
Với vai trò là
người đứng đầu HĐQT, Chủ tịch HĐQT có trách nhiệm điều hành hoạt động của HĐQT
để đảm bảo HĐQT thực hiện đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật và điều lệ
công ty. Ngoài ra, Chủ tịch HĐQT còn có thể kiêm nhiệm chức danh Giám đốc hoặc
Tổng Giám đốc, nếu CTCP đó không phải là công ty đại chúng hoặc doanh nghiệp
nhà nước và nhóm công ty[15].
b. Thư ký
Tương đồng với
thông lệ quốc tế, pháp luật Việt Nam quy định chức danh Thư ký không bắt buộc
phải có. Khi thấy cần thiết, HĐQT bổ nhiệm thư ký để hỗ trợ HĐQT và thành viên
HĐQT thực hiện chức năng, nhiệm vụ[16].
Ngoài ra, pháp luật doanh nghiệp hiện hành cũng không quy định điều kiện, tiêu
chuẩn để trở thành Thư ký.
So với quy định
trong Luật Doanh nghiệp 2014, quy định về Thư ký trong Luật Doanh nghiệp 2020
có điểm tiến bộ hơn. Cụ thể, Khoản 5 Điều 152 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định
Thư ký do Chủ tịch HĐQT tuyển dụng để hỗ trợ HĐQT và Chủ tịch HĐQT. Cách quy định
này dễ dẫn tới cách hiểu chức danh này là thư ký riêng của Chủ tịch HĐQT, trong
khi vai trò chính là hỗ trợ HĐQT thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định.
Tuy nhiên về mặt
kỹ thuật trình bày, quy định về Thư ký được thiết kế trong điều khoản quy định
về Chủ tịch HĐQT là chưa hợp lý. Bởi lẽ, Chủ tịch HĐQT không có vai trò trong
việc bổ nhiệm Thư ký, và chức danh này không có vai trò hỗ trợ riêng cho Chủ tịch
HĐQT.
c. Ủy ban kiểm toán
Ủy ban kiểm toán
(“UBKT”) là cơ quan bắt buộc phải có trong mô hình quản trị hai tầng. Khoản 1
Điều 161 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Uỷ
ban kiểm toán là cơ quan chuyên môn thuộc HĐQT. Uỷ ban kiểm toán có số lượng từ
hai thành viên trở lên. Chủ tịch Uỷ ban kiểm toán phải là thành viên độc lập
HĐQT. Các thành viên khác của Uỷ ban kiểm toán phải là thành viên HĐQT không điều
hành”.
Tên gọi “Uỷ ban
kiểm toán” là điểm mới trong Luật Doanh nghiệp 2020, thay thế tên gọi “Ban kiểm
toán nội bộ” quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014. Sự thay đổi này đã giải quyết
được tình trạng nhầm lẫn dẫn đến khó khăn trong thực tiễn tổ chức và quản lý
CTCP trên thực tế. Đó là, tên gọi “Ban kiểm toán nội bộ” trực thuộc HĐQT có thể
gây nhầm lẫn với một cơ quan trùng tên nhưng lại trực thuộc Giám đốc/Ban Giám đốc,
với chức năng, nhiệm vụ khác nhau.
Ngoài số lượng
thành viên và đối tượng để trở thành thành viên UBKT, chủ tịch UBKT, pháp luật
doanh nghiệp hiện hành chưa có thêm quy định nào về cơ chế, cách thức thiết lập
UBKT và những tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể đối với chức danh Chủ tịch UBKT, cũng
như chức danh thành viên UBKT. Riêng đối với công ty đại chúng, những vấn đề
này được quy định chi tiết hơn trong pháp luật chứng khoán[17]. Điều
này vô hình chung tạo ra khó khăn cho các nhà đầu tư khi lựa chọn áp dụng và
trong quá trình áp dụng mô hình hai tầng – vốn là một xu hướng QTCT hiện đại
trên thế giới, nhưng được coi là khá mới ở VN.
3.
Quyền
và nghĩa vụ của Hội đồng quản trị và Thành viên HĐQT
a. Quyền
và nghĩa vụ Hội đồng quản trị
Trong mối quan hệ
với các cơ quan, thiết chế khác trong mô hình quản trị công ty cổ phần, HĐQT
đóng vai trò là cơ quan quản lý, có thẩm cao nhất về tổ chức và hoạt động của
doanh nghiệp. Chức năng này biểu hiện ở quyền và nghĩa vụ cụ thể được quy định
tại Khoản 2 Điều 153 Luật Doanh nghiệp 2020. Có thể tạm nhóm các nhóm quyền và
nghĩa vụ như sau:
Về mặt tổ chức, HĐQT có quyền:
(i)
Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch HĐQT; bổ
nhiệm, miễn nhiệm, ký kết hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc
Tổng Giám đốc và người quản lý quan trọng khác do Điều lệ công ty quy định; uyết định tiền lương, thù lao, thưởng và
lợi ích khác của những người quản lý đó; cử người đại diện theo ủy quyền tham
gia Hội đồng thành viên hoặc Đại hội đồng cổ đông ở công ty khác, quyết định
mức thù lao và quyền lợi khác của những người đó;
(ii) Giám
sát, chỉ đạo Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác trong điều hành
công việc kinh doanh hằng ngày của công ty;
(iii) Quyết định cơ cấu
tổ chức, quy chế quản lý nội bộ của công ty, quyết định thành lập công ty con,
chi nhánh, văn phòng đại diện và việc góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp
khác;
(iv)
Quyết định liên quan đến họp ĐHĐCĐ, trình báo cáo tài chính lên
ĐHĐCĐ;
Về
mặt chiến lược hoạt động của doanh nghiệp, HĐQT có quyền:
(i)
Quyết định chiến lược, kế hoạch phát triển trung hạn và kế hoạch kinh doanh
hằng năm của công ty;
(ii)
Quyết định giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ;
(iii) Kiến nghị việc tổ chức lại,
giải thể công ty; yêu cầu phá sản công ty;
Về
mặt quản lý hoạt động kinh doanh, HĐQT có quyền:
(i)
Quyết định liên quan đến cổ phần: chào bán cổ phần (loại, số lượng được
chào bán, giá bám, giá mua lại, chi trả cổ tức);
(ii)
Quyết định liên quan đến huy động vốn: hình thức huy động vốn, trái phiếu;
(iii) Quyết định liên quan đến
phương án/dự án đầu tư; thông qua các hợp đồng mua, bán, vay, cho vay, … trong
thẩm quyền;
(iv)
Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định tại Điều lệ công ty.
b.
Quyền và nghĩa vụ của Thành viên
HĐQT
Đối với thành
viên HĐQT, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định quyền hạn, nghĩa vụ của thành viên độc
lập HĐQT được cụ thể hóa trong Điều lệ công ty[18]. Ngoài
ra, không có quy định nêu rõ quyền và nghĩa vụ của từng loại thành viên HĐQT.
Như vậy, về cơ bản
các thành viên HĐQT sẽ thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần thực thi quyền và
nghĩa vụ của HĐQT như đã trình bày ở trên. Đối với thành viên độc lập HĐQT và
thành viên HĐQT điều hành, sẽ có sự phân hóa quyền để tương thích với vị trí đảm
nhiệm của mình. Cụ thể: thành viên HĐQT điều hành thì sẽ thực hiện thêm quyền
và nghĩa vụ của chức danh quản lý, điều hành mà mình nắm giữ; thành viên HĐQT
không điều hành thì thực hiện thêm nhiệm vụ trong quyền và nghĩa vụ chung của
UBKT; còn thành viên độc lập HĐQT thì thực hiện thêm nhiệm vụ ở vai trò là người
đứng đầu UBKT.
Ngoài ra, để thuận
lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chung của HĐQT, thành viên HĐQT được
pháp luật ghi nhận quyền được cung cấp thông tin từ Giám đốc, Phó Giám đốc hoặc
Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, người quản lý khác trong công ty. Trong đó,
những đối tượng này phải cung cấp thông tin khi được thành viên HĐQT yêu cầu.
Trình tự, thủ tục yêu cầu và cung cấp thông tin sẽ do Điều lệ công ty quy định[19].
4. Cơ chế hoạt động của HĐQT
Căn cứ Điều
157-159 Luật Doanh nghiệp 2020, có thể thấy cơ chế hoạt động của HĐQT như sau:
HĐQT hoạt động
thông qua cuộc họp và lấy ý kiến tập thể. Hình thức lấy ý kiến là biểu quyết tại
cuộc họp, lấy ý kiến bằng văn bản hoặc hình thức khác do Điều lệ công ty quy định.
Về thời gian và
địa điểm họp, HĐQT có thể họp định kỳ ít nhất mỗi quý 1 lần hoặc có các cuộc họp
bất thường, có thể họp tại trụ sở chính của công ty hoặc ở nơi khác do HĐQT quyết
định.
Ngoài cuộc họp định
kỳ và cuộc họp đầu tiên, HĐQT có thể tổ chức họp khi có một trong các trường hợp
sau xảy ra:
(i) Có đề nghị của
Ban kiểm soát;
(ii) Có đề nghị
của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc hoặc ít nhất năm người quản lý khác;
(iii) Có đề nghị
của ít nhất hai thành viên HĐQT;
(iv) Các trường
hợp khác do Điều lệ công ty quy định.
Đối với cuộc họp
định kỳ, và cuộc họp được tổ chức trong các trường hợp nêu trên, Chủ tịch HĐQT là
người có thẩm quyền triệu tập trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận
được văn bản đề nghị nêu rõ mục đích, vấn đề cần HĐQT thảo luận và quyết định
thuộc thẩm quyền[20].
Trường hợp Chủ tịch HĐQT không triệu tập họp theo đúng quy định thì phải chịu
trách nhiệm về những thiệt hại xảy ra đối với công ty, đồng thời, người đề nghị
có quyền thay thế Chủ tịch HĐQT triệu tập họp HĐQT.
Cách thức tổ chức
cuộc họp của HĐQT bao gồm các hoạt động và các vấn đề cần lưu ý tuân thủ theo
đúng quy định của pháp luật như: Thông báo mời họp; Điều kiện tiến hành các cuộc
họp HĐQT; Tham dự và biểu quyết trong cuộc họp và Biên bản cuộc họp HĐQT[21].
Về quy định miễn
nhiệm, bãi nhiệm, thay thế và bổ sung thành viên HĐQT, Luật Doanh nghiệp 2020
quy định ĐHĐCĐ tiến hành thực hiện các quyền này khi thành viên HĐQT rơi vào những
trường hợp theo quy định tại Điều 160 Luật Doanh nghiệp 2020. Về cơ bản, quy định
này phù hợp với thông lệ trên thế giới.
[1] Khoản 2 Điều 154 Luật Doanh nghiệp
2020
[2] Khoản 1 Điều 155 Luật Doanh nghiệp
2020
[3] Khoản 3 Điều 275 Nghị định
155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Chứng
khoán
[4] Điều 161 Luật Doanh nghiệp 2020
[5] Khoản 2 Điều 276 Nghị định
155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Chứng
khoán
[6] Rút ra từ quy định tại Khoản 1
Điều 161 Luật Doanh nghiệp 2020
[7] Khoản 1 Điều 137 Luật Doanh nghiệp
2020
[8] Khoản 18 Điều 4 Luật Chứng khoán
2019
[9] Khoản 1 Điều 137 Luật Doanh nghiệp
2020
[10] Khoản 3 Điều 276 Nghị định
155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Chứng
khoán
[11] Khoản 4 Điều 276 Nghị định
155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Chứng
khoán
[12] Khoản 2 Điều 154 Luật
Doanh nghiệp 2020
[13] Khoản 1 Điều 156 Luật
Doanh nghiệp 2020
[14] Khoản 3 Điều 156 Luật Doanh nghiệp
2020
[15] Khoản 2 Điều 156 Luật
Doanh nghiệp 2020
[16] Khoản 5 Điều 156 Luật
Doanh nghiệp 2020
[17] Mục 4, từ Điều 282 đến Điều 284
Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31.12.2020 quy định chi tiết thi hành một số
điều của Luật Chứng khoán.
[18] Khoản 4 Điều 154 Luật Doanh nghiệp
2020
[19] Điều 159 Luật Doanh nghiệp 2020
[20] Khoản 5 Điều 157 Luật Doanh nghiệp
2020
[21] Điều 157 Luật Doanh nghiệp 2020